Sơn Việt Coffee - Son Viet Coffee - Cung Cấp Cà Phê Giá Sỉ

"Giấc mơ" cà phê hữu cơ Việt Nam: Chờ đợi những "cú hích" từ chính sách và doanh nghiệp - Cung Cấp Cà Phê Giá Sỉ

"Giấc mơ" cà phê hữu cơ Việt Nam: Chờ đợi những "cú hích" từ chính sách và doanh nghiệp - Cung Cấp Cà Phê Giá Sỉ

"Giấc mơ" cà phê hữu cơ Việt Nam: Chờ đợi những "cú hích" từ chính sách và doanh nghiệp

Dưới xu hướng đẩy mạnh các giải pháp chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu, mô hình trồng cà phê không hóa chất đang trở thành một hướng đi phù hợp, giúp ngành cà phê thích ứng với yêu cầu phát triển bền vững. Điều này càng có ý nghĩa khi cà phê vẫn giữ vai trò là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Cần thêm cú hích cho ngành cà phê

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2024, Việt Nam ước tính xuất khẩu 1,32 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch gần 5,48 tỷ USD, giảm 18,8% về lượng nhưng tăng 29,1% về giá trị so với năm 2023. Đây cũng là mức kim ngạch cao nhất từ trước đến nay.

Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Cà phê cũng là mặt hàng nông sản có mức tăng giá mạnh nhất trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Năm 2024, xuất khẩu cà phê tăng trưởng tại cả 15 thị trường lớn nhất.

Trong đó, Malaysia ghi nhận mức tăng mạnh nhất, gấp 2,2 lần, tiếp theo là Philippines với mức tăng 2,1 lần.

EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam, trong đó Đức, Italia và Tây Ban Nha là ba thị trường chính, chiếm thị phần lần lượt 11%, 8,1% và 8%.

Giữ vị trí thứ hai về giá trị xuất khẩu toàn cầu, cà phê Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong nước, ngành cà phê phát triển mạnh với hàng trăm nghìn quán trên cả nước, trong đó nhiều thương hiệu bán lẻ cà phê Việt được người tiêu dùng ưa chuộng.

Các chuyên gia ngành cà phê nhận định, để nâng cao giá trị và hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, ngành cà phê Việt Nam cần phát triển theo hướng chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, việc phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu là bước quan trọng để hướng tới một chuỗi giá trị cà phê bền vững.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, năm 2024, cải thiện chất lượng cà phê đã trở thành ưu tiên hàng đầu của ngành. Nhiều nông dân và doanh nghiệp tích cực áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như Fair Trade, Organic và UTZ nhằm nâng cao tính cạnh tranh. Cà phê hữu cơ và cà phê chất lượng cao đang dần chiếm ưu thế tại các thị trường khó tính, đặc biệt là châu Âu và Bắc Mỹ.

Ước mơ xuất khẩu cà phê hữu cơ thương hiệu

Nghiên cứu của Mordor Intelligence (công ty nghiên cứu thị trường Ấn Độ) cho thấy, thị trường cà phê hữu cơ toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép) 12,56% trong giai đoạn 2024 - 2029, nhờ nhu cầu ngày càng lớn đối với các loại đồ uống lành mạnh.

Trước xu hướng này, các chuỗi bán lẻ toàn cầu đang gia tăng lượng nhập khẩu cà phê hữu cơ để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, nhiều quán cà phê cũng sẵn sàng mua cà phê hữu cơ, đặc biệt từ các thương hiệu hàng đầu có trụ sở tại Bắc Mỹ.

Sự phân khúc rõ rệt của thị trường khi sản phẩm đáp ứng được nhu cầu đang mở ra cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu cà phê hữu cơ.

Chia sẻ với phóng viên, ông Thái Dũng Linh, Phó Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Đức Tín (thương hiệu cà phê Eco Herbs), cho biết châu Âu và Úc – hai thị trường tiêu thụ nông sản lớn trên thế giới – đang ngày càng siết chặt các quy định nhập khẩu, đặc biệt với sản phẩm nông nghiệp, thông qua các yêu cầu liên quan đến chống suy thoái khí hậu và ngăn chặn tàn phá rừng. Những quy định nghiêm ngặt này cũng đang được nhiều thị trường khó tính khác áp dụng.

Dưới góc nhìn lạc quan, đây có thể là cơ hội để thúc đẩy sản xuất bền vững. Các doanh nghiệp sản xuất cà phê buộc phải chuyển đổi sang phương thức canh tác thân thiện với môi trường để đáp ứng các tiêu chuẩn mới.

Bên cạnh đó, cà phê được sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường mà còn có giá trị cao hơn trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại Việt Nam, nhiều trang trại cà phê đang chuyển đổi sang mô hình hữu cơ, nhưng thành phẩm vẫn chủ yếu phục vụ thị trường trong nước. Thương hiệu cà phê hữu cơ Việt Nam xuất hiện trên kệ các thị trường khó tính gần như chưa có, hoặc chỉ chiếm thị phần rất nhỏ.

Mặt khác, sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam duy trì ở mức top đầu chủ yếu nhờ gia công nguyên liệu, đóng vai trò là nguồn cung cho các thương hiệu quốc tế. Vì vậy, dù có tiềm năng phát triển cà phê chất lượng cao, việc xây dựng và đưa thương hiệu cà phê hữu cơ Việt Nam ra thị trường thế giới vẫn là một mục tiêu đầy thách thức, nhưng cũng là hy vọng của cộng đồng nông hộ tâm huyết.

"Việt Nam cần có thêm nhiều hơn nữa các thương hiệu cà phê uy tín, được công nhận và trân quý bởi giá trị thật. Đó là ước mơ, là tầm nhìn cơ hội, tuy nhiên là thương hiệu mới, quy mô vừa và nhỏ, phát triển cùng cộng đồng và vì cộng đồng, chúng tôi hàng ngày vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức", ông Linh chia sẻ.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Linh cho rằng chính sách, hướng dẫn hiện nay chưa thực sự nổi bật cho nhóm canh tác, sản xuất sạch, và cũng chưa có những hướng dẫn cụ thể, đồng bộ để đảm bảo hàng hóa không bị tắc nghẽn, hoàn trả,… Từ đó, diễn ra thực trạng vùng nguyên liệu còn rất hạn chế, không liền mạch, không ổn định,… do tác động của những lợi ích kinh tế ngắn hạn, quy hoạch manh mún.

Doanh nghiệp còn gặp khó khăn về nguồn chi phí đầu tư vào việc chứng nhận và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, công nghệ theo dõi và quản lý chuỗi cung ứng một cách hiệu quả.

Nói riêng về xuất khẩu cà phê hữu cơ, phải tới tháng 3/2024 tại Gia Lai, khoảng 40 tấn cà phê nhân hữu cơ của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp chính thức lên đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản. Đây là sự đánh dấu lô hàng cà phê hữu cơ đầu tiên của nước ta đã chính thức tiếp cận được với thị trường được xem là khó tính nhất nhì thế giới. Lô hàng cà phê hữu cơ được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá bán cao hơn cà phê thông thường 35%.