Cà phê chồn Pleiku – Nét quý tộc của cao nguyên
Cà phê Gia Lai từ lâu đã là một trong những sản phẩm được đánh giá cao bởi chất lượng, hương vị nổi bật. Ngoài cà phê nguyên chất, cà phê hòa tan, trong những năm gần đây, cà phê chồn Pleiku cũng là một sản phẩm được bạn bè trong nước và quốc tế công nhận. Và cũng chính cà phê chồn đã góp phần đưa tên tuổi của cà phê Pleiku lên một tầm cao mới, sánh ngang hàng với những vùng cà phê chất lượng nhất Việt Nam và khu vực.
Cà phê chồn Pleiku có gì?
Đầu vào chất lượng cao
Điều đáng nói đầu tiên đó chính là cà phê chồn tự nhiên hiện nay cực kỳ hiếm và có giá bán quá cao. Thay vào đó, cà phê chồn trang trại được xem là phù hợp hơn cho người tiêu dùng. Pleiku may mắn là vùng có chất lượng cà phê ổn định, thuộc hàng tốt nhất cả nước và đặc biệt môi trường sống ở đây thực sự phù hợp cho loài chồn phát triển.
Nuôi chồn để tạo ra cà phê chồn được xem là một nghệ thuật của cà phê Pleiku. Trong suốt thời gian chờ mùa cà phê, chồn được ăn đa dạng các loại thực phẩm và được di chuyển thoải mái đúng với bản chất tự nhiên. Cũng nhờ đó, sức khỏe con vật luôn ổn định và sẵn sàng mang lại những hạt cà phê chồn chất lượng nhất.
![](/UserFile/editor/images/H%C3%ACnh%20New/ca-phe-chon-pleiku-net-quy-toc-cua-cao-nguyen-1jabt.png)
Vào mùa cà phê chín, nguyên liệu được chọn lọc cực kỳ gắt gao để làm thức ăn cho chồn. Sau đó, loài chồn lại tiếp tục chọn lọc một lần nữa. Những quả cà phê được chồn ăn đảm bảo chín mọng, không bị sâu bệnh, rệp sáp, không bị trầy xước, không dính nhựa,… Do đó, việc thu hái cà phê làm thức ăn cho chồn thường chỉ áp dụng phương pháp thủ công, hái từng quả, đảm bảo chất lượng hảo hạng.
Theo các trang trại chồn ở Pleiku, họ chỉ hái được tầm vài ký cà phê mỗi ngày để làm thức ăn cho chồn. Ngoài ra, chồn chỉ ăn khoảng 1/10 lượng cà phê đó và tất nhiên, đó là những quả chất lượng nhất. Phần còn lại loài chồn sẽ không bao giờ đụng đến, thậm chí có trộn chung số lượng nhỏ với mẻ cà phê mới.
Có thể thấy, cà phê chồn Pleiku cũng như các địa phương khác đều mang chất lượng cực cao bởi được chọn lọc nhiều lần và quan trọng nhất đó chính là nhờ khứu giác của loài chồn hương.
Đầu ra đầy tinh túy
Sau khi ăn những quả cà phê ngon nhất, khoảng 3 – 4 tiếng sau, chồn sẽ thải nhân cà phê cùng lớp vỏ trấu ra ngoài. Trong một đêm, chồn có thể mang lại khoảng 100g cà phê. Cà phê sau đó được thu gom nhanh chóng, làm sạch tuyệt đối, phơi dưới nắng nhẹ, bóng râm hoặc nơi có ánh sáng phát xạ, phơi bằng quạt gió, quạt điện để đảm bảo độ ẩm khoảng 12%. Đặc biệt, quá trình phơi cũng cần đảm bảo nhiệt độ vừa phải, thông thoáng để không làm ẩm mốc sản phẩm cũng như giúp quá trình lên men bên trong vẫn được tiếp tục.
![](/UserFile/editor/images/ca-phe-chon-pleiku-net-quy-toc-cua-cao-nguyen-nvosu.png)
Với độ ẩm tiêu chuẩn thấp, lượng cà phê hao hụt sau khi phơi là rất cao nên mỗi mùa vụ, cà phê chồn Pleiku có sản lượng khá thấp. Do đòi hỏi khắt khe về nguyên liệu, chi phí nhân công, quy trình sản xuất nên không quá khó hiểu khi cà phê chồn Pleiku cũng như các địa phương khác có giá bán đắt đỏ, cao hơn nhiều lần so với cà phê truyền thống.
Hương vị của cà phê chồn Pleiku
Pleiku và các huyện lân cận đa số là vùng trồng Robusta nên cà phê chồn Pleiku chủ yếu là cà phê chồn Robusta. Tuy nhiên, Robusta Pleiku lại là một sản phẩm được đánh giá rất cao trên bản đồ cà phê Việt Nam. Hương vị nguyên thủy của Robusta là vị đắng mạnh, đậm đà và phù hợp cho đại đa số khẩu vị của người Việt.
Theo đó, cà phê chồn Pleiku có hương vị khá mạnh mẽ, ít đắng hơn cà phê nguyên chất nhưng vẫn giữ được sự đậm đà vốn có. Qua quá trình lên men trong dạ dày chồn và quy trình chế biến đặc biệt, sản phẩm này mang hương thơm độc đáo từ núi rừng, đậm đà, mượt mà và hậu vị ngọt ngào đầy quyến rũ. Hơn nữa, một điều đặc biệt của cà phê chồn đó chính là hương thơm khác biệt, nồng nàn, quyến rũ và khiến người ta say đắm một cách tự nhiên.