Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 5 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của mặt hàng cà phê robusta.
Xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng trở lại
Báo cáo của ICO cho biết, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 5 đạt 12,7 triệu bao, tăng 5% so so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cà phê nhân xanh tăng 3,5%, lên 11,2 triệu bao, do được thúc đẩy bởi sự gia tăng mạnh mẽ trong xuất khẩu cà phê robusta.
Cụ thể, xuất khẩu cà phê robusta trong tháng 5 đã tăng tới 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,3 triệu bao, nhờ vào sản lượng xuất khẩu tăng từ quốc gia sản xuất hàng đầu là Việt Nam, cũng như từ các nước xuất khẩu chủ chốt khác như Indonesia và Uganda.
Ngoài ra, khối lượng xuất khẩu nhóm cà phê arabica khác cũng tăng 4,2%, đạt 2,7 triệu bao.
Ngược lại, xuất khẩu nhóm cà phê arabica Brazil và arabica Colombia giảm khá mạnh 11,2%, chỉ đạt 3,3 triệu bao. Xuất khẩu cà phê arabica Colombia cũng giảm 3%, còn gần 1 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 8 tháng đầu niên vụ 2024-2025 (Tháng 10/2024 đến tháng 5/2025)

Nguồn: ICO
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê hòa tan trong tháng 5 tăng 15,4%, đạt 1,3 triệu bao. Brazil tiếp tục giữ vị trí quốc gia xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất trong tháng, với khối lượng đạt gần 0,4 triệu bao.
Tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu đã tăng lên mức 10,5% trong 8 tháng đầu niên vụ 2024-2025, so với mức 9,6% của cùng kỳ niên vụ 2023-2024.
Xuất khẩu cà phê đã rang cũng chứng kiến mức tăng mạnh 46,8% trong tháng 5 vừa qua, đạt 0,12 triệu bao.
Cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu toàn cầu trong 8 tháng đầu niên vụ 2024-2025

Nguồn: ICO
Mặc dù phục hồi trở lại trong tháng 5, nhưng tính chung trong 8 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê 2024-2025 (từ tháng 10/2024 đến tháng 5/2025), xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn giảm nhẹ 2,3% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống còn 91,3 triệu bao.
Trong đó, tổng khối lượng xuất khẩu cà phê xanh từ đầu niên vụ đến nay giảm 3,1%, đạt 81,97 triệu bao, chiếm gần 90% tỷ trọng.
Đà tăng được ghi nhận ở hầu hết khu vực
Trong tháng 5, có đến ba trong số bốn khu vực chính ghi nhận xuất khẩu tăng, trong khi Nam Mỹ là khu vực duy nhất chứng kiến sự sụt giảm. Đây đã là tháng giảm thứ bảy liên tiếp của khu vực này sau chuỗi 16 tháng tăng trưởng dương liên tiếp. Kết quả là tỷ trọng của khu vực trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm xuống chỉ còn 32,3%, so với mức 45,6% trong tháng 5/2024.
Theo đó, xuất khẩu cà phê tháng 5 của khu vực Nam Mỹ chỉ đạt 4,1 triệu bao, giảm 25,7% so với 5,5 triệu bao của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu của Brazil giảm mạnh 31,8%, còn gần 3 triệu bao.
Đà giảm mạnh này chủ yếu do hiệu ứng nền cao của cùng kỳ năm ngoái. Trong niên vụ 2023-2024, Brazil đã xuất khẩu kỷ lục 50,1 triệu bao cà phê, tăng hơn 13 triệu bao (tương đương 35,1%) so với niên vụ trước đó.
Một phần đáng kể của mức tăng này nhằm bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu do vụ thu hoạch kém tại Việt Nam, nơi xuất khẩu giảm 11,7%, tương đương 3,3 triệu bao trong niên vụ 2023-2024. Khi khoảng trống nguồn cung này hiện đã được bù đắp, áp lực xuất khẩu từ Brazil giảm xuống, dẫn đến lượng xuất khẩu suy giảm.
Ngược lại, khu vực châu Á và châu Đại Dương ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ trong tháng 5, với tổng lượng xuất khẩu đạt 4,1 triệu bao, tăng 48,9% so với mức 2,8 triệu bao cùng kỳ năm trước.
Chủ yếu là do được thúc đẩy bởi xuất khẩu của Việt Nam tăng đến 87,3%, đạt hơn 2,5 triệu bao. Mức tăng trưởng ấn tượng này phản ánh hiệu ứng nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, thời điểm xuất khẩu chỉ đạt 1,4 triệu tấn, mức thấp nhất trong các tháng 5 kể từ năm 2009 và cũng thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2,3 triệu bao trong giai đoạn 2018–2022.
Indonesia cũng đóng góp tích cực với lượng xuất khẩu tăng 23,3%, đạt gần 0,8 triệu bao. Đáng chú ý, đây đã là tháng tăng trưởng thứ 7 trong 8 tháng đầu tiên trong niên vụ cà phê 2024-2025 của Indonesia, với tổng lượng xuất khẩu tính đến nay tăng 53%, đạt 6,1 triệu bao. Vụ thu hoạch tốt hơn dự kiến trong niên vụ 2024-2025 giúp tăng nguồn cung xuất khẩu.
Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong 8 tháng đầu niên vụ 2024-2025

Nguồn: ICO
Xuất khẩu cà phê các loại từ châu Phi cũng tăng tới 33,3% trong tháng 5, đạt 2,3 triệu bao. Ethiopia và Uganda là hai động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của khu vực, với mức tăng lần lượt là 42% và 43,3%, đạt 1 triệu bao và 0,8 triệu bao.
Cả hai quốc gia đều có một vụ mùa bội thu, mang đến nguồn cung dồi dào. Cùng với đó là giá cà phê quốc tế cao và xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu sớm được cho là những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực.
Nhiều người trong ngành dự đoán niên vụ 2024-2025 sẽ là năm “được mùa” của Ethiopia, với sản lượng tăng ròng khoảng 0,5 triệu bao. Còn theo Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda, vụ thu hoạch chính tại các khu vực Masaka và tây nam đạt kết quả tốt là yếu tố then chốt dẫn đến mức tăng trưởng tích cực của quốc gia này.
Tại khu vực Trung Mỹ và Mexico, xuất khẩu cà phê trong tháng 5 tăng 3,8%, đạt 2,1 triệu bao. Đây là tháng thứ 7 khu vực này ghi nhận tăng trưởng trong 8 tháng đầu niên vụ 2024-2025, nâng tổng lượng xuất khẩu lũy kế từ đầu niên vụ đến nay lên 9,9 triệu bao, tăng 8,4%.
Sự tăng trưởng mới nhất của khu vực được thúc đẩy bởi Nicaragua, quốc gia đã xuất khẩu 0,4 triệu bao cà phê trong tháng 5, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là khối lượng xuất khẩu lớn thứ ba trong lịch sử và cao thứ hai từng được ghi nhận trong tháng 5.