Lịch sử cà phê Arabica Việt Nam
Cà phê Arabica hay còn gọi là cà phê Chè ưa sống ở vùng núi cao...
Cà phê Arabica hay còn gọi là cà phê Chè ưa sống ở vùng núi cao. Cà phê hạt nguyên chất Arabica thường được trồng ở độ cao từ 1000-1500 m. Cây có tán lớn, màu xanh đậm, lá hình oval. Cây cà phê trưởng thành có thể cao từ 4-6 m, nếu để mọc hoang dã có thể cao đến 15 m. Quả hình bầu dục, mỗi quả chứa hai hạt. Arabica có giá trị kinh tế nhất trong số các loài cây cà phê.
Trên thị trường cà phê Arabica luôn được đánh giá cao hơn vì có hương vị thơm ngon. Giá cà phê Arabica thường cao hơn gấp đôi so với giá cà phê Robusta. Cà phê Arabica đại diện cho khoảng gần 70% các sản phẩm cà phê cao cấp trên thế giới. Arabica có nguồn gốc từ vùng cao nguyên nhiệt đới Ethiopia, đông Phi. Brasil và Colombia là hai nước xuất khẩu chính loại cà phê này, chất lượng cà phê của họ cũng được đánh giá cao nhất. Ở Việt Nam,Tỉnh Lâm đồng với các địa phương như Di Linh, bảo Lộc, Đơn Dương, vùng ngoại ô Đà Lạt, đặc biệt là vùng Cầu Đất, được coi là thiên đường cà phê Arabica của Việt Nam với những “chỉ số vàng”, cao 1.500 m. Khí hậu ôn đới mát quanh năm, nhiệt độ cực đại trong năm không vượt quá 33 độ, nhiệt độ cực tiểu 5 độ. Đây là vùng sản xuất cà phê hạt nguyên chất Arabica chất lượng cao nhất cả nước. Địa hình càng cao, khí hâu càng lạnh hơn, càng cho ra những hạt cà phê Arabica chất lượng tuyệt hảo.

Với lịch sử hơn 155 năm từ khi người Pháp đưa những giống cà phê hạt nguyên chất Arabica đầu tiên trồng thử nghiệm ở Việt Nam (1858). Đến nay cây cà phê đã được gieo trồng rất nhiều nơi ở nước ta. Những vùng chuyên canh cà phê đã được hình thành và trải dài hầu hết ở các tỉnh Tây Nguyên với tổng diện tích gieo trồng trên 550.000 ha. Trong số những vùng trên có những nơi trở thành thủ phủ của cà phê Việt Nam như Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk, Bảo Lộc – Lâm Đồng… được khách hàng trong và ngoài nước biết đến.
Điều đáng nói ở đây là với diện tích chuyên canh lớn như vậy nhưng cà phê Robusta là loại cây được trồng chính chứ không phải cà phê hạt nguyên chất Arabica, mặc dù đây mới là loại cây có giá trị kinh tế và giá trị thương hiệu cao hơn rất nhiều. Điều này xảy ra vì một số lý do như sau:
- Thứ nhất, diện tích dành cho cà phê hạt nguyên chất Arabica tại Việt Nam khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 27.500 ha, tương đương 5% tổng diện tích gieo trồng. Nguyên nhân chính là vì các vùng chuyên canh cà phê của nước ta thường chỉ có độ cao 600-1000m so với mực nước biển, không thích hợp cho Arabica.
- Thứ hai, loài cây này lại có nhiều sâu bệnh gây hại, đem lại nhiều khó khăn cho người nông dân trong quá trình trồng trọt.
- Bên cạnh nguyên nhân khách quan về điều kiện canh tác thì chính quy trình chế biến phức tạp của cà phê hạt nguyên chất Arabica cũng khiến cho nó ít được trồng phổ biến.
Nhận thức được giá trị kinh tế cũng như tầm quan trọng của cà phê Arabica trong việc phát triển và khẳng định thương hiệu cho ngành cà phê Việt Nam. Đồng thời những khó khăn trong quá trình trồng trọt, thu hái và chế biến cà phê hạt nguyên chất Arabica đã phần nào dễ dàng hơn nhờ có sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị và công nghệ ngày càng hiện đại. Những năm qua, cùng với chính sách của nhà nước ta, bà con nông dân và các doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi từ Robusta sang trồng và kinh doanh xuất khẩu cà phê hạt nguyên chất Arabica. Việc chuyển đổi này đang được thực hiện một cách khoa học và có kế hoạch lâu dài nên có thể nói rằng triển vọng phát triển thương hiệu của cây cà phê Arabica Việt Nam trong tương lai là rất lớn.