Sơn Việt Coffee - Son Viet Coffee - Cung Cấp Cà Phê Giá Sỉ

Giá cà phê tăng giảm thất thường - Cung Cấp Cà Phê Giá Sỉ

Giá cà phê tăng giảm thất thường - Cung Cấp Cà Phê Giá Sỉ

Giá cà phê tăng giảm thất thường

Nhìn vào diễn biến của giá cà phê nguyên chất trên thị trường thế giới trong 16 tuần vừa qua cho thấy, chỉ có 4 tuần là giá cà phê có xu hướng giảm nhưng biên độ giảm cũng không nhiều. Tuần giảm mạnh nhất trong chu kỳ 16 tuần vừa qua chính là tuần thứ ba (từ ngày 18 – 22/1/2016) khi giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3/2016 giảm tới 75 USD/tấn xuống mức 1.366 USD/tấn. Tuần này được đánh giá là có phiên giá cà phê nguyên chất giảm xuống mức thấp nhất hơn 5 năm qua do nguồn cung dồi dào được thúc đẩy bởi lượng xuất khẩu tăng đột biến từ Việt Nam – nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, sau Brazil. Tuy nhiên, chu kỳ này dường như biến mất rất nhanh, nhường chỗ cho những phiên kế tiếp tăng giá “khủng khiếp” khi những dự báo xấu về tình hình thời tiết ngày càng gia tăng.

giá cà phê nguyên chất

  Diễn biến chung cho thấy, kể từ tuần thứ 4 trở đi, giá cà phê nguyên chất liên tục tăng và tăng mạnh nhất là vào tuần thứ 12 (từ ngày 21 – 24/3/2016). Trong tuần thứ 12, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5/2016 đạt mức 1.515 USD/tấn. Sang tuần 13 kế tiếp, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5/2016 tiếp tục tăng 13 USD/tấn lên 1.504 USD/tấn. Và sang tuần thứ 16 (từ ngày 18 – 22/4), đây là tuần tăng đỉnh nhất của mặt hàng này, dù phiên cuối cùng của tuần có giảm nhưng mức giảm không đáng kể, chốt chung cuộc, giá robusta kỳ hạn tháng 7 cũng đạt mức 1.567 USD/tấn. Giá cà phê Arabrica cũng “đồng khởi” với Robusta với mức tăng tương tự, khoảng cách được thiết lập là giá Arabrica luôn chênh hơn Robusta khoảng từ 57 - 59 USD/tấn.

  Sở dĩ giá cà phê nguyên chất trên thị trường thế giới liên tục tăng cao là do các nước chủ lực sản xuất cà phê hạt nguyên chất đều lâm vào tình trạng hạn hán kéo dài. Tại Việt Nam – nước sản xuất Robusta hàng đầu thế giới, nơi mà vành đai cà phê Tây Nguyên đã phải đối mặt với nạn hạn hán tồi tệ nhất trong ba thập kỷ qua. Thị trường cà phê ở đây biến động tăng mạnh cùng xu hướng thị trường cà phê thế giới. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, vành đai cà phê Tây Nguyên của Việt Nam đã phải đối mặt với nạn hạn hán tồi tệ nhất suốt ba thập kỷ qua, với khoảng 100.000 hecta trồng cà phê trong tình trạng thiếu nước tưới. Nhưng một số thương nhân và nhà phân tích cho rằng tình trạng này có thể vẫn chưa đến mức xấu. Vì hiện nay, sau nhiều ngày chờ đợi đã có mưa rải rác trên vùng Tây Nguyên khô hạn, tuy những cơn mưa nhỏ chưa đủ làm dịu được khí nóng oi ả vẫn bốc lên “ngùn ngụt” tại một trong những vựa cà phê lớn của thế giới.

Giá cà phê nguyên chất tăng còn do hạn hán tại Espirinto Santo - bang sản xuất Robusta chủ chốt của Brazil. Bên cạnh đó, hạn hán đang ảnh hưởng xấu đến các vùng trồng cà phê tại Việt Nam, có thể diễn biến xấu hơn trong tháng tới, làm giảm sản lượng cà phê niên vụ 2016-2017.

Dự báo thời gian tới

Theo giới chuyên gia, giá cà phê nguyên chất trên thế giới còn nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng nhưng trong ngắn hạn mức tăng không nhiều bởi lượng cà phê hạt nguyên chất tồn từ niên vụ trước vẫn đủ nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, xét ảnh hưởng từ tất cả các nước sản xuất cà phê thì lo ngại về lâu dài, giá tăng cao là khá “hiện hữu”. Theo Cơ quan phát triển cà phê Uganda (UCDA) cho biết, trong năm 2016, Uganda kỳ vọng xuất khẩu gần 3 triệu bao cà phê bất chấp khó khăn do thời tiết bất ổn. Đây có thể là lượng cà phê cao nhất từ Uganda trên thị trường quốc tế. Năm ngoái, Uganda đã xuất khẩu được 3,3 triệu bao cà phê, nhưng năm nay mục tiêu đề ra ở mức cao hơn, 3,8 triệu bao. Khoảng 42% hộ nông dân trồng cây cà phê, đóng góp trung bình 30% vào nguồn thu ngoại tệ. Mục tiêu trên có thể đạt được nếu áp dụng thực hành nông học tốt đối với của nước này. Qua đó, Uganda có thể sản xuất lượng cà phê nhiều gấp đôi như cà phê robusta có thể đạt mức 1,2 kg/cây.

Còn tại Columbia, do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết bất thường El Nino, Liên đoàn các nhà sản xuất cà phê Colombia ước tính sản lượng cà phê hạt nguyên chất của nước này trong năm 2016 có khả năng sẽ sụt giảm tới 1,2 triệu bao (1 bao = 60kg. Ước tính khoảng 700.000-950.000 ha trồng cà phê bị thiếu nước tưới. Một loạt cái tên như Tolima, Huila, Antioquia, Valle del Cauca, Caldas, Quindío và Risaralda là những vựa cà phê bị ảnh hưởng nặng nhất bởi hiện tượng El Nino. Theo quy luật hàng năm, người trồng cà phê Colombia hiện sản xuất cà phê theo hai vụ: từ tháng 4 đến tháng 7 và từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Theo thống kê, sản lượng cà phê hạt nguyên chất của Colombia trong quý I/2016 đạt 3,17 triệu bao, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, sản lượng cà phê của nước này trong sáu tháng đầu năm sẽ không đạt được chỉ tiêu đề ra là khoảng 6,7 triệu bao do hạn hán. Xuất khẩu cà phê của Colombia trong ba tháng đầu năm 2016 đạt 3,3 triệu bao, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015.

cà phê hạt nguyên chất

Hãng tư vấn Cepea của Brazil cảnh báo thời tiết nắng nóng đang ảnh hưởng xấu đến mùa vụ tại Espirito Santo, bang trồng cà phê Robusta chủ chốt của Brazil, khiến sản lượng Robusta có thể giảm 25% so với ước tính ban đầu. Xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng 2/2016 đạt 2,67 triệu bao, tăng so với 2,49 triệu bao trong tháng 1/2016 và 2,51 triệu baocùng kỳ năm ngoái. Dự đoán xuất khẩu cà phê của Brazil bắt đầu chậm lại trong khoảng 5 tháng tới, khi lượng cà phê lưu kho giảm đáng kể. Hãng xuất khẩu cà phê Brazil Comexim dự báo sản lượng cà phê của Brazil niên vụ tới sẽ tăng 13% lên 56,25 triệu bao, trong đó Arabica đạt 44,35 triệu bao và Robusta 11,9 triệu bao.

Theo số liệu của Chính phủ Indonesia, xuất khẩu cà phê Robusta của Đảo Sumatra trong tháng 2/2016 đạt164.935 bao, giảm 151.715 bao, hay 47,91%, so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, xuất khẩu cà phê hạt nguyên chất của Sumatra trong 5 tháng đầu niên vụ 2015-2016 (tháng 10 - tháng 9) chỉ đạt 1.181.149 bao, giảm 516.485 bao, tương ứng 30,42%, so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê hạt nguyên chất của Việt Nam từ 1/1 đến 15/4 đạt 579.000 tấn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo một vài cuộc khảo sát, hạn hán có thể làm giảm sản lượng cà phê ít nhất là 10% tính đến tháng 9/2017. Việt Nam – nước trồng cà phê Robusta hàng đầu thế giới, có thể xuất khẩu được 140.000 – 150.000 tấn trong tháng 4, tương tự lượng xuất trong tháng 3/2016, do hạn hán kích thích cầu tăng. Tuy nhiên, người trồng cà phê không bán ra nhiều. Giá cà phê nguyên chất tại Việt Nam có thể tăng hơn nữa trong bối cảnh dự báo mưa chỉ rải rác ở Tây Nguyên. Công ty khảo sát thị trường Business Monitor International  cho biết trong báo cáo ngày 20/4/2016 cho biết, bất chấp lo ngại về thời tiết khô hạn, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2016-2017 vẫn được dự đoán tăng 3% lên 29,14 triệu bao, trong khi đó, sản lượng cà phê của Indonesia được dự báo đạt 9,65 triệu bao, giảm 9% so với năm 2015-2016.